Nguyễn Phương
Ngày 28 tháng 2 năm 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 66/KH-UBND thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2025. Có 07 mục tiêu được nêu tại Kế hoạch gồm:
(1) Kịp thời cụ thể hóa các chính sách pháp luật về sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn tỉnh ngay khi Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương ban hành.
(2) Giảm 5 - 8% mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu của các ngành sản xuất, cụ thể: dệt may, thép, nhựa, hóa chất, xi măng, rượu bia nước giải khát, giấy và chế biến thủy hải sản.
(3) 70% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
(4) Xây dựng, áp dụng 1 đến 2 mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững; phổ biến, nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch hơn, các mô hình về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
(5) 100% các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững.
(6) 100% các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn Tỉnh phân phối, sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy; xây dựng thúc đẩy chuỗi cung ứng bền vững, khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường, được dán nhãn sinh thái tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích.
(7) Khuyến khích lồng ghép nội dung về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chương trình đào tạo, giảng dạy tại các cấp đào tạo.
Về nhiệm vụ, giải pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh xác định 13 nội dung chính tại Kế hoạch gồm:
(1) Đẩy mạnh truyền thông về sản xuất và tiêu dùng bền vững; (2) Nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững tài nguyên và năng lượng phát triển nhiên liệu, nguyên vật liệu có thể tái tạo, tái sinh trong một số ngành công nghiệp của tỉnh, giảm thiểu phát sinh chất thải; (3) Thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái, thiết kế để tái chế, tái sử dụng; (4) Thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm; (5) Thúc đẩy dán nhãn và chứng nhận nhãn sinh thái; (6) Phát triển hệ thống phân phối bền vững, xuất nhập khẩu bền vững; (7) Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ, áp dụng công cụ quản lý mới cho doanh nghiệp; (8) Đẩy mạnh phát triển thị trường bền vững, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng; (9) Đẩy mạnh mua sắm bền vững; (10) Thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn đối với chất thải; (11) Xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin về sản xuất và tiêu dùng bền vững; (12) Hỗ trợ tiếp cận tài chính xanh thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; (13) Hợp tác quốc tế về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Tại Kế hoạch trên, Ủy ban nhân dân tỉnh giao các cơ quan, đơn vị có liên quan:
Sở Công Thương: chủ trì, phối hợp: các sở, ngành; UBND huyện thị xã, thành phố và các đơn vị, tổ chức liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2025 theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, không trùng lặp, đúng mục tiêu, kết quả đề ra; Vụ Đổi mới sáng tạo chuyển đổi xanh và Khuyến công, Bộ Công Thương thực hiện có hiệu quả chương trình liên kết công nghiệp, phân phối, thương mại và tiêu dùng bền vững trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2025.
Sở Nông nghiệp và Môi trường: Chủ trì, phối hợp: các sở, ban, ngành tỉnh tuyên truyền, phổ biến hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa và túi nilon khó phân hủy, hướng dẫn thu gom, xử lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang;triển khai duy trì, phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Thực hiện các hoạt động chuyên ngành đảm bảo an toàn sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp và môi trường trong sản xuất; tổ chức thực hiện đảm bảo hiệu quả Nghị quyết số 26/2020/NQ-HĐND ngày 04 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp: các sở, ngành Tỉnh và các đơn vị có liên quan trong công tác xác định nhiệm vụ, tuyển chọn hoặc giao trực tiếp để thực hiện nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo trong sản xuất và tiêu dùng bền vững. Phối hợp với Sở Công Thương trong việc giới thiệu, tuyên truyền các mô hình, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất và tiêu dùng bền vững. Phối hợp Sở Công Thương và đơn vị liên quan hướng dẫn, đề nghị các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở tăng cường thực hiện thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn Tỉnh.
Sở Xây dựng: Khuyến khích các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh sử dụng nhiên liệu sinh học sạch, thân thiện môi trường trong các hoạt động phân phối, vận chuyển hàng hóa.
Báo Hậu Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng về sản xuất và tiêu dùng bền vững; lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; tuyên truyền sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế hoàn toàn cho các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần.
Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Liên minh Hợp tác xã, các hiệp hội, tổ chức đoàn thể xã hội trên địa bàn tỉnh, cộng đồng và các cá nhân: Chủ động đề xuất, phối hợp với các sở, ngành tỉnh thực hiện các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững, hỗ trợ thực hiện các hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững phù hợp lĩnh vực hoạt động và nhiệm vụ được giao...
Về nguồn kinh phí thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất
và tiêu dùng bền vững trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2025 (được nêu tại Kế hoạch), với tổng kinh phí thực hiện là 246.000.000 đồng. Trong đó: Nguồn ngân sách Tỉnh: 230.000.000 đồng; Nguồn doanh nghiệp, nguồn vốn hợp pháp khác: 16.000.000 đồng./.